Vị trí của chodientu.vn 
ChoDienTu.vn thuộc sở hữu của Công ty PeaceTech, một đơn vị thành viên của PeaceSoft Group liên doanh với Tập đoàn eBay và do các doanh nhân khởi nghiệp người Việt Nam nắm quyền sở hữu chi phối.
Hiện nay, chợ điện tử duy trì mô hình B2C – bao gồm các giao dịch thương mại trên Internet giữa doanh nghiệp với khách hàng, mà trong đó, đối tượng khách hàng của loại hình này là các cá nhân mua hàng.
Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2015, trong top 10 website thương mại điện tử dẫn đầu về doanh thu này, sàn giao dịch trực tuyến ChoDienTu.vn xếp ở vị trí thứ 2, chỉ sau lazada.vn.

Top 10 website có doanh từ thu thương mại điện tử cao nhất thị trường năm 2015.
Quá trình kết hợp với eBay và cuộc cạnh tranh thương mại điện tử tại Việt Nam
Năm 2006, khi ChoDienTu.vn mới vừa hoàn tất giao dịch thứ 300, Nguyễn Hòa Bình, sáng lập kiêm Chủ tịch PeaceSoft, đơn vị sở hữu ChoDienTu.vn, đã nói với tờ Financial Times (Mỹ) rằng hy vọng một ngày đẹp trời nào đó người khổng lồ eBay sẽ đến gõ cửa công ty ông.
Đầu năm 2011, lời nói của ông chủ ChoDienTu.vn trở thành hiện thực khi eBay đồng ý mua lại 20% cổ phần của website thương mại điện tử này.
ChoDienTu.vn là một trong những sàn giao dịch thương mại điện tử theo mô hình của eBay xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam. Trong lúc thanh toán trực tuyến vẫn là rào cản lớn nhất đối với các tài năng thương mại điện tử ở Việt Nam thì ChoDienTu.vn đã có chiến lược tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến để bảo vệ khách hàng từ rất sớm.
ChoDienTu.vn đã kết hợp với Techcombank (2006), Đông Á Bank (2007), OnePay và các tổ chức thẻ quốc tế (2008) để thực hiện bảo hiểm toàn bộ các giao dịch của người dùng trên website.
Đến năm 2011,ChoDienTu.vn ra mắt công cụ thanh toán trực tuyến NgânLượng.vn do chính họ tự phát triển và NgânLượng hiện là cổng thanh toán trực tuyến dẫn đầu tại Việt Nam với 27% thị phần. Năm ngoái, PeaceSoft đã bán 50% vốn NgânLượng.vn cho một đối tác Malaysia là MOL Access Portal.

Trang web của ChoDientu.vn. 
Dù nắm bắt được cơ hội phát triển thương mại điện tử nhưng hiện nay Chợ điện tử vẫn phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường với các đối thủ.
Đối thủ số 1 chính là Lazada – hiện đang có doanh thu đứng đầu trên thị trường. Vào tháng 4/2016, Lazada chính thức về tay đại gia thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba. Với thương vụ này, Alibaba sẽ có quyền chi phối Lazada trong khu vực, bao gồm cả Lazada Việt Nam.
Tại Trung Quốc, Alibaba có hàng triệu người sử dụng và quản lý hàng triệu nhà bán lẻ và doanh nghiệp. Tập đoàn Alibaba có hơn 22.000 nhân viên với hơn 100 văn phòng và trụ sở chính đặt tại Quận Xixi, Hàng Châu, Trung Quốc. Tổng số tiền giao dịch trực tuyến của Alibaba trong năm 2013 đạt 248 tỷ USD, tức là nhiều hơn cả số tiền giao dịch của eBay và Amazon cộng lại.
Hiện tại vẫn chưa rõ “lối chơi” của Alibaba thông qua Lazada tại Việt Nam ra sao nhưng rõ ràng Alibaba là 1 đối thủ đáng gờm với các trang thương mại điện tử tại Việt Nam trong đó có ChoDienTu.vn.
Trong lúc cuộc chiến giành và giữ ngôi số 1 diễn ra khá căng thẳng thì ở tốp dưới nổi lên những đối thủ tuy nhỏ nhưng đáng gờm.
Hotdeal với chiến lược “bẻ nhỏ” – mô hình hoạt động giống với Groupon (Mỹ) bán voucher giảm giá nhiều sản phẩm, dịch vụ với số lượng giới hạn trong một thời gian ngắn, đã thu hút được số lượng khách hàng khá lớn khi đứng ở vị trí top 10 doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2015.
VậtGiá.com, một đơn vị thương mại điện tử nội có tiếng, cũng là một tay chơi không dễ chịu. Hay trong năm 2015 chủ đầu tư của trang Sendo.vn công bố thông tin hợp tác đầu tư chiến lược với 3 tập đoàn dịch vụ internet hàng đầu của Nhật (SBI Holdings, Econtext ASIA, BEENOS). Ngoài ra các đối thủ như VinEcom vào cuộc với mức vốn điều lệ lên đến 1.000 tỷ đồng và cho ra mắt trang thương mại điện tử Adayroi.com.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2015, doanh số thương mại điện tử B2C của Việt Nam năm 2015 và tăng 37% so với năm trước, dự báo đến năm 2020 đạt 10 tỷ USD.
Có thể nhận thấy thương mại điện tử trong nước đang trong đà phát triển và là cơ hội mở ra cho tất các đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường cũng có những khó khăn chung và đã chứng kiến nhiều trang web thương mại điện tử đóng cửa như Deca.vn, Beyeu.com, Foodpanda.com.
Dù có được cái bắt tay với eBay từ giữa năm 2008 và được đầu tư sớm, thế nhưng giải được bài toán thương mại điện tử tại Việt Nam là không dễ đối với Chợ điện tử khi cuộc cạnh tranh khốc liệt trên sàn thương mại ngày một tăng và việc lấy được niềm tin của người tiêu dùng Việt lại càng khó khăn hơn.
Minh Trang -Bizlive.vn